Sign In

Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản

17:09 05/11/2024

Chọn cỡ chữ A a  

Chiều 5/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản; Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.

Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

 

z6001646039160_afcd03c97ed6bf69ff7630d34bd09c53.jpg

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo Quốc hội một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

 

Về chính sách của nhà nước về địa chất, khoáng sản (Điều 3)

Có ý kiến đề nghị bỏ khoản 4 để thống nhất với khoản 1 Điều 7 Luật Ngân sách nhà nước; quy định rõ tỷ lệ phần trăm được trích lại trong khoản thu từ khai thác khoáng sản, nguyên tắc trích nộp các khoản thu.

Đối với nội dung này, UBTVQH báo cáo như sau: Việc quy định chính sách của Nhà nước tại khoản 4 Điều 3 nhằm thể chế hoá quan điểm được nêu tại Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị. Tiếp thu kiến của ĐBQH, nội dung khoản 4 đã được chỉnh lý và thể hiện như trong dự thảo Luật. Việc bố trí kinh phí sẽ được thực hiện theo dự toán ngân sách nhà nước, phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước.

Về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất khoáng sản được khai thác (Điều 8)

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản hằng năm hỗ trợ chi phí đầu tư, nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng, bảo vệ môi trường nhằm tăng cường hơn trách nhiệm của tổ chức khai thác khoáng sản.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UB KH,CN&MT) Lê Quang Huy, đối với nội dung này, có 02 loại ý kiến như sau:

Ý kiến thứ nhất: Bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 8 theo Phương án 1 như dự thảo Luật (Chính phủ đề nghị bổ sung).

Ý kiến này sẽ có ưu điểm tạo căn cứ pháp lý để bắt buộc tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện trách nhiệm hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

 

z6001802809554_1b0b4b3be89b9c7476e1f396c15826ab.jpg

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Luật của các đại biểu Quốc hội

 

Tuy nhiên, có nhược điểm là quy định này chuyển từ trách nhiệm hỗ trợ với mức hỗ trợ mang tính chất tự nguyện của Luật Khoáng sản hiện hành thành trách nhiệm hỗ trợ mang tính bắt buộc là chính sách mới chưa có đánh giá tác động.

Bên cạnh đó, không quy định nguyên tắc về mức thu dễ dẫn đến tùy tiện trong áp dụng.

Đồng thời, việc cho phép “phần kinh phí hỗ trợ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản được hạch toán vào chi phí sản xuất” dẫn đến chưa thống nhất với Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, trái với nguyên tắc chi phí được tính trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã thực hiện nộp các nghĩa vụ thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vào NSNN. Nhà nước điều tiết, phân bổ ngân sách theo quy định của Luật NSNN để duy tu, nâng cấp hạ tầng, bảo vệ môi trường (nếu chưa phù hợp thì cần điều chỉnh tăng các khoản thu này). Do vậy, việc quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải hỗ trợ mang tính chất bắt buộc là không công bằng đối với các lĩnh vực kinh tế khác và tạo gánh nặng chi phí cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.

Loại ý kiến thứ hai: Giữ như quy định của Luật Khoáng sản hiện hành theo Phương án 2 tại khoản 3 Điều 8 dự thảo Luật.

Ưu điểm sẽ không phát sinh chính sách mới. Bảo đảm bản chất của việc hỗ trợ kinh phí (cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện trách nhiệm hỗ trợ nhưng tự nguyện về mức hỗ trợ).

Về nhược điểm, theo phương án này dễ dẫn đến việc tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản tùy ý trong việc thực hiện trách nhiệm hỗ trợ (không bắt buộc). Hiện nay, ít địa phương triển khai chính sách này và có khác nhau trong việc quy định trách nhiệm (bắt buộc hay tự nguyện) của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.

Theo đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, UBTVQH đề nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến về nội dung này.

 

Về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 14)

Trong quá trình thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, nội dung phân công trách nhiệm cơ quan chủ trì lập quy hoạch khoáng sản còn nhiều ý kiến khác nhau.

z6001646086995_1edc8ee2c9c0cf982ea80cb48e2525f3.jpg

Toàn cảnh phiên họp chiều 5/11

UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo 02 phương ánđể xin ý kiến. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án, UBTVQHvà Chính phủ đã thống nhất báo cáo Quốc hội về việc quy định 01 phương án (Phương án 1 có điều chỉnh) theo hướng: giao Chính phủ phân công cơ quan tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khoáng sản; quy định việc lập phương án quản lý về địa chất và khoáng sản được tích hợp vào quy hoạch tỉnh (Điều 14 của dự thảo Luật).

Về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản (Điều 15)

Một số ý kiến đề nghị việc điều chỉnh quy hoạch thực hiện theo pháp luật về quy hoạch, có ý kiến khác đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật để kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn và đặc thù của hoạt động điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản. UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo 02 phương án để xin ý kiến. Để giải quyết kịp thời việc điều chỉnh quy hoạch, tháo gỡ vướng mắc bất cập phát sinh trong thực tiễn, UBTVQH và Chính phủ thống nhất báo cáo xin ý kiến Quốc hội phương án cho phép điều chỉnh cục bộ nội dung quy hoạch khoáng sản.

 

Về nguyên tắc cấp giấy phép thăm dò khoáng sản (Điều 45)

Có ý kiến đề nghị quy định nguyên tắc cấp phép giấy phép thăm dò khoáng sản phải phù hợp với quy hoạch khoáng sản và quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia để giải quyết các vướng mắc thực tế liên quan đến khoáng sản than.

Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã bổ sung quy định chuyển tiếp tại khoản 7 Điều 116 dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung, chỉnh lý điểm h khoản 1 Điều 45 quy định “Mỗi tổ chức được cấp không quá 05 giấy phép thăm dò đối với một loại khoáng sản, không kể giấy phép thăm dò khoáng sản đã hết hiệu lực, trừ khoáng sản than/ khoáng sản năng lượng”, vì nếu giới hạn chỉ được cấp 05 giấy phép thăm dò sẽ ảnh hưởng lớn đến các đề án thăm dò khoáng sản than theo quy hoạch, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Về nội dung này, UBTVQH xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật kế thừa quy định về số lượng giấy phép thăm dò của Luật hiện hành để hạn chế việc đầu cơ, giữ mỏ, trong quá trình thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 không có vướng mắc. Việc loại trừ quy định đối với khoáng sản than/khoáng sản năng lượng là không phù hợp giữa các nhóm, loại khoáng sản trong hoạt động cấp giấy phép thăm dò khoáng sản. Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đề xuất chỉnh lý nội dung quy định tại điểm h khoản 1 Điều 45 theo hướng giao Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với trường hợp tổ chức đề nghị vượt quá 05 giấy phép thăm dò đối với một loại khoáng sản. Do đó, UBTVQH xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

 

z6001646065844_eea289ca5e6eae69fa3f262204c0904e.jpg

Các đại biểu Quốc hội trong phiên họp chiều ngày 5/11

 

Về quản lý đối với khoáng sản nhóm IV (nhóm 4)

Có ý kiến đề nghị đề nghị cân nhắc, không nên bỏ quy định về thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác đối với khoáng sản làm vật liệu san lấp, tránh tạo khoảng trống pháp lý dẫn đến vi phạm, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản; cần xem xét cấp phép khai thác đối với khoáng sản nhóm IV thay vì thực hiện theo hình thức đăng ký hoạt động.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo “đối với khoáng sản nhóm IV, cần nghiên cứu để có quy định cụ thể liên quan đến công tác quy hoạch, thăm dò, khai thác không để trục lợi chính sách”.UBTVQH và Chính phủ đã thống nhất theo hướng vẫn quy định cấp phép nhưng đơn giản hóa quy trình, thủ tục đối với khoáng sản nhóm IV nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý nguyên tắc khai thác khoáng sản nhóm IV tại khoản 2 Điều 75.

Để giải quyết nút thắt về quy hoạch và tháo gỡ triệt để vướng mắc về quy trình, dự thảo Luật quy định không đưa khoáng sản nhóm IV vào quy hoạch tỉnh. Dự thảo Luật đã chỉnh lý Điều 75, trong đó riêng trường hợp các dự án quy định tại khoản 2 Điều 74 thì không phải thực hiện các yêu cầu lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản để thực hiện trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; không phải thực hiện thủ tục thẩm định và phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường. Ngoài các dự án đáp ứng tiêu chí này, các dự án khác vẫn phải thực hiện đầy đủ yêu cầu theo quy định, bảo đảm chặt chẽ.

 

Về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 101)

Có ý kiến cho rằng quy định về tiền cấp quyền là không khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn; một số ý kiến đề nghị bỏ nội dung thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đồng thời xem xét tăng mức thu thuế tài nguyên khoáng sản; đề nghị làm rõ sự khác nhau giữa tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên và có giải pháp cắt giảm thủ tục hành chính.

UBTVQH xin giải trình như sau: Về đề nghị bỏ nội dung thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đồng thời xem xét tăng mức thu thuế tài nguyên khoáng sản: UBTVQH nhận thấy, qua 13 năm thực hiện, chính sách “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” đã góp phần hạn chế đầu cơ, giữ mỏ để chuyển nhượng, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, đồng thời cũng là một nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Để giải quyết những hạn chế, vướng mắc hiện nay, dự thảo Luật đã quy định theo hướng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo năm và được quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế. Với quy định nêu trên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ không bị ảnh hưởng bởi trữ lượng địa chất, trữ lượng không được khai thác, không thể khai thác hết; hoặc vì lý do khách quan chưa thể đưa mỏ vào khai thác.

Về sự khác nhau giữa tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên: Đối với thuế tài nguyên, tổ chức, cá nhân tự kê khai sản lượng khai thác thực tế và nộp theo tháng và được quyết toán theo năm. Đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, dự thảo Luật đang quy định theo hướng cơ quan quản lý nhà nước sẽ phê duyệt theo trữ lượng khoáng sản, tổ chức, cá nhân sẽ nộp 01 lần vào đầu năm và được quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế theo thời kỳ (có thể 01 năm, 03 năm hoặc 05 năm). Số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nộp thừa sẽ được chuyển sang kỳ nộp tiếp theo, trường hợp nộp thiếu thì nộp bổ sung.

Về thủ tục hành chính: Đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, trên cơ sở quyết định phê duyệt và quyết toán thuế tài nguyên, tổ chức, cá nhân chỉ phải nộp 01 năm 01 lần, không làm phát sinh thủ tục hành chính trong việc kê khai, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

 

Về khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản (Điều 103)

Nhiều ý kiến quan tâm đến tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định các nguyên tắc cấp phép khai thác khoáng sản không qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản (khoản 2 Điều 103), trên cơ sở đó giao Chính phủ quy định tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản (khoản 5 Điều 103).

 

Về một số nội dung khác

Có ý kiến đề nghị bổ sung điểm h khoản 1 Điều 218 Luật Đất đai: “Đất quy hoạch khoáng sản có diện tích phân bố rộng (như bô xít, ti tan) được UBND cấp tỉnh xem xét quy hoạch sử dụng kết hợp với mục đích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trên cơ sở có sự thống nhất của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch khoáng sản đó”.

UBTVQH xin báo cáo như sau: Việc UBND cấp tỉnh xem xét khi lập quy hoạch sử dụng đất khoáng sản kết hợp với mục đích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội phải tuân thủ Luật Đất đai. Để giải quyết vấn đề nêu trên, UBTVQH đề nghị: Chính phủ chỉ đạo rà soát quy hoạch khoáng sản, các quy hoạch, dự án khác có liên quan để bảo đảm sử dụng đất có hiệu quả; căn cứ quy định của pháp luật, xem xét chuyển đổi một số khu vực đã đưa vào quy hoạch khoáng sản sang khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và cho phép thực hiện các dự án đầu tư tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (Điều 35 dự thảo Luật); Quá trình thực hiện Luật Đất đai nếu phát sinh vướng mắc về việc sử dụng đất đa mục đích, đặc biệt là trường hợp ĐBQH nêu, cần khẩn trương xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý để không gây ách tắc cho phát triển kinh tế - xã hội.

Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung định giá quyền khai thác khoáng sản.

UBTVQH xin báo cáo như sau: Kết quả định giá quyền khai thác khoáng sản là một trong những thông tin để xác định giá khởi điểm phục vụ công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, việc quy định nội dung này trong dự thảo Luật hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết là chưa khả thi tại thời điểm nàyDo vậy, trước mắt UBTVQH đề nghị không quy định định giá quyền khai thác khoáng sản; đề nghị Chính phủ nghiên cứu thấu đáo, đề xuất giải pháp trong thời gian tới.

Ngoài các vấn đề trên đây, UBTVQH đã chỉ đạo việc rà soát, hoàn thiện văn phong. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 12 Chương, 116 Điều.

 

 

 

Khương Trung

Ý kiến

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy mong muốn Nhật Bản hỗ trợ chương trình quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy mong muốn Nhật Bản hỗ trợ chương trình quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã gặp và làm việc với ông HATOYAMA JIRO, Thứ trưởng Nội các phụ trách Chính sách Đại dương Nhật Bản về các nội dung phát triển các chương trình quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển cho Việt Nam.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thăm nhà máy đốt rác phát điện MEGURO (Nhật Bản)

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã đi thăm quan nhà máy đốt rác phát điện Meguro (Tokyo, Nhật Bản).
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy làm việc với Bộ trưởng Bộ Nhân lực và Bộ thương mại, Công nghiệp Singapore

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy làm việc với Bộ trưởng Bộ Nhân lực và Bộ thương mại, Công nghiệp Singapore

Ngày 3/12, Đoàn công tác của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã gặp và làm việc với Bộ trưởng Tan See Leng - Bộ trưởng Bộ Nhân lực và Bộ trưởng Thứ 2 Bộ thương mại và Công nghiệp Singapore.