Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Khương Trung.
Hà Nội ngày 21 tháng 12 năm 2024
- Kính thưa đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ,
- Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội;
- Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,
- Kính thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý,
- Thưa toàn thể Hội nghị,
Thực hiện Chương trình công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường và chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, hôm nay Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Tài nguyên và Môi trường.
Lời đầu tiên, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị; xin gửi tới các đồng chí đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, cùng toàn thể các đồng chí và quý vị đại biểu khách quý lời chào mừng nồng nhiệt, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Kính thưa Phó Thủ tướng Chính phủ,
Thưa toàn thể Hội nghị,
Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được Chính phủ xác định là năm tăng tốc, bứt phá, tạo tiền đề, động lực cho năm 2025 để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết của Quốc hội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong năm, tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố bất định; cạnh tranh chiến lược, xung đột vũ trang, bất ổn chính trị gia tăng; tăng trưởng toàn cầu phục hồi chậm; các thách thức an ninh phi truyền thống tác động trực tiếp, đa chiều đến phát triển của nhiều quốc gia, khu vực.
Ở trong nước, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội cơ bản ổn định, tăng trưởng ở mức cao, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân tiếp tục được nâng lên. Tuy nhiên, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước các tác động bên ngoài, cũng như những hạn chế, bất cập nội tại, đồng thời phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lũ.
Trong bối cảnh đó, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận định, dự báo chính xác tình hình, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều quyết sách; đồng thời, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, linh hoạt trong tổ chức thực hiện, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển trước mắt và lâu dài của đất nước.
Bản thân tôi được Đảng, Nhà nước phân công đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đến nay là gần 04 tháng, thời gian tuy chưa nhiều, nhưng qua công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Bộ, tôi ý thức rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu, giúp Chính phủ quản lý các nguồn lực quan trọng của quốc gia, phục vụ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, khối lượng công việc và yêu cầu quản lý nhà nước đối với Bộ, cũng như toàn ngành Tài nguyên và Môi trường là rất lớn; đặc biệt, năm 2024 là năm bản lề, tăng tốc để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho cả nhiệm kỳ.
Trong năm 2024, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là khơi thông các điểm nghẽn về chính sách, bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương. Trong đó, nổi bật là:
Thứ nhất, thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tiễn phát triển của đất nước. Việc tổ chức thực thi chính sách, pháp luật được toàn Ngành triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Thứ hai, hệ thống các quy hoạch ngành quốc gia được xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để phân bổ, bố trí, sử dụng hợp lý không gian và nguồn lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng kinh tế - xã hội, các địa phương và cả nước.
Thứ ba, công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, đáp ứng nhu cầu phát triển, làm nền tảng thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ tư, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, có chuyển biến tích cực; các chỉ tiêu về môi trường đã trở thành tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả, tính bền vững kinh tế - xã hội của quốc gia và từng địa phương. Các giải pháp về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế toàn hoàn, kinh tế các - bon thấp đã đạt được kết quả bước đầu.
Thứ năm, công tác dự báo khí tượng, thủy văn, dự báo, cảnh báo thiên tai luôn chủ động “đi sớm, đi trước”, chất lượng được nâng lên, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai các biện pháp phòng, chống, qua đó góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Thứ sáu, công tác chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực; công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, thông tin, truyền thông ngày càng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước.
Kính thưa Hội nghị,
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác quản lý nhà nước ngành Tài nguyên và Môi trường cũng còn những mặt tồn tại, hạn chế, đó là:
Một số thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; chất lượng triển khai chính sách, pháp luật không đồng đều giữa các địa phương;
Nguồn lực tài nguyên ở nhiều nơi chưa được sử dụng hiệu quả, nhất là tài nguyên đất đai, gây nên tình trạng lãng phí; việc vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản còn xảy ra ở nhiều nơi;
Tình trạng ô nhiễm môi trường các lưu vực sông, cụm công nghiệp, làng nghề, ô nhiễm không khí tại các đô thị chưa được quan tâm khắc phục;
Công tác phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính chưa triệt để; công tác chuyển đổi số trong Ngành chưa đáp ứng với yêu cầu quản trị hiện đại;
Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, địa bàn còn hạn chế.
Tại Hội nghị này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo khái quát kết quả công tác năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025; sau đó Hội nghị sẽ nghe báo cáo tham luận của đại diện các Bộ, ngành, địa phương, một số đơn vị trực thuộc Bộ; và đặc biệt, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ có phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Kính thưa quý vị đại biểu,
Hội nghị của chúng ta diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành Tài nguyên và Môi trường, khi toàn Ngành đang tập trung thực hiện đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo đúng chỉ đạo của Trung ương và của Chính phủ về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương.
Tôi đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị phát huy dân chủ, thẳng thắn trao đổi, thảo luận, làm sâu sắc hơn những kết quả đạt được; phân tích, chỉ rõ các hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; cùng chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ của Ngành. Đồng thời, phân tích, dự báo bối cảnh tình hình và các yếu tố tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ của Ngành; đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá cần tập trung thực hiện trong năm 2025 để ngành Tài nguyên và Môi trường hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2025 và cả nhiệm kỳ, góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Tài nguyên và Môi trường.
Kính chúc đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng toàn thể quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc; chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!
Xin trân trọng cảm ơn!