Phát biểu của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tại Diễn đàn "LẮNG NGHE NÔNG DÂN NÓI"
(Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2024)
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói". Ảnh: Khương Trung
- Kính thưa đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam,
- Thưa các đồng chí Lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương,
- Thưa các đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc,
- Thưa các quý vị đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học,
- Thưa toàn thể bà con Hội viên Hội nông dân Việt Nam!
Ngày hôm nay, Tôi với tư cách Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường rất vui mừng, phấn khởi được cùng đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đồng chủ trì Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” với chủ đề “Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông thôn”.
Diễn đàn là một trong những hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng trong chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Lời đầu tiên, Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi xin gửi tới các đồng chí Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các quý vị đại biểu đại diện cho các Bộ, Ban, ngành, các Hiệp hội ngành nghề; các chuyên gia, nhà khoa học, cùng toàn thể các đồng chí Lãnh đạo và hội viên Hội Nông dân các tỉnh, thành phố lời chào mừng và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Trân trọng cảm ơn các nhà báo, phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí đã tới đưa tin về Diễn đàn ngày hôm nay.
Thưa quý vị đại biểu,
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con nông dân. Kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, Trung ương Đảng đã cụ thể hóa mục tiêu trên bằng nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết quan trọng như: (1) Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; (2) Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là lực lượng nòng cốt, quan trọng khi triển khai thực hiện các mục tiêu về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đã và đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong đó, người nông dân luôn được xác định vừa là trung tâm vừa là chủ thể, vừa là động lực vừa là mục tiêu của quá trình phát triển.
Bộ Tài nguyên và Môi trường và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là hai cơ quan đã có truyền thống phối hợp hiệu quả, đã ký kết Chương trình phối hợp công tác qua nhiều giai đoạn. Hai cơ quan đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện rất có ý nghĩa, trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được sự phối hợp, hỗ trợ rất lớn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cũng như sự đồng hành của Hội Nông dân các địa phương; đặc biệt là việc tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, có tác động lớn đến người dân nông thôn như: Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; cũng như các quy hoạch, chiến lược quan trọng của ngành Tài nguyên và Môi trường…
Khu vực nông thôn Việt Nam với hơn 62 triệu người dân đang sinh sống, giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Hội Nông dân Việt Nam đã hình thành tổ chức hội các cấp xuyên suốt từ trung ương đến địa phương với số lượng hội viên đông đảo.
Khơi thông nguồn lực đất đai, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước luôn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước.
Thực tiễn đang đòi hỏi chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên; giải quyết tốt các thách thức về ô nhiễm môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bởi đây là những vấn đề đang ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Cùng với đó, ước tính lượng phát thải của hoạt động nông nghiệp chiếm khoảng 43% tổng lượng phát thải quốc gia, tương đương 65 đến 150 triệu tấn CO2/năm, đòi hỏi chúng ta cần nỗ lực chung tay cùng bà con nông dân kéo giảm phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp, hướng tới mục tiêu NetZero vào năm 2050.
Thưa quý vị đại biểu,
Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn xác định Hội Nông dân các cấp là hệ thống nối dài, lực lượng quan trọng trong triển khai các chiến lược, cơ chế, chính sách, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ngành, trong đó: quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên nước; bảo vệ môi trường; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là các nhiệm vụ được ưu tiên.
Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” với chủ đề “Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông thôn” được tổ chức ngày hôm nay là dịp để Bộ Tài nguyên và Môi trường truyền tải những thông điệp, phổ biến những cơ chế chính sách mới và quan trọng đến từng cấp hội nông dân, để từ đó lan tỏa đến từng bà con nông dân trên cả nước.
Tại Diễn đàn này, chúng tôi mong muốn được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân cả nước nói chung, các địa phương khu vực phía Bắc nói riêng liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành. Đặc biệt, mong được bà con chia sẻ những sáng kiến hay, cách làm hiệu quả; đồng thời, kiến nghị, đề xuất những giải pháp khả thi để tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, tạo động lực để phát triển mạnh mẽ khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Với tinh thần đó, Tôi đề nghị Diễn đàn của chúng ta tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề trọng tâm sau đây:
Một là, cơ chế, chính sách và pháp luật về đất đai và những ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn; các đề xuất, kiến nghị để nâng cao hiệu quả thi hành chính sách mới của Luật Đất đai năm 2024.
Hai là, giới thiệu những sáng kiến hay, kinh nghiệm tốt, mô hình hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; trong triển khai và vận dụng các điểm mới của chính sách để phát huy nguồn lực từ đất đai phục vụ việc cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững.
Ba là, chia sẻ các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn bà con nông dân bảo vệ môi trường nông thôn tho quy định của Luật Bảo vệ môi trường; các đề xuất, kiến nghị của các cấp hội nông dân với các cơ quan nhà nước để làm tốt hơn lĩnh vực này.
Bốn là, chia sẻ các mô hình quản lý, thu gom, xử lý chất thải, phụ phẩm nông nghiệp; biện pháp quản lý hóa chất bảo vệ thực vật… theo hướng tái chế, tái sử dụng, hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, cac-bon thấp trong nông nghiệp.
Năm là, trao đổi, chia sẻ của đại diện các bộ, ban, ngành với các cấp Hội Nông dân và bà con nông dân để có thể tiếp cận nguồn lực đất đai, tài chính, nhằm thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, sinh kế bền vững và chuyển đổi công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Việt Nam.
Một lần nữa, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tôi xin gửi tới các quý vị đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện lãnh đạo, các hội viên các cấp từ trung ương đến địa phương của Hội Nông dân Việt Nam lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Chúc Diễn đàn của chúng ta thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn./.