Sign In

Phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tại Hội nghị phổ biến các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024

09:30 05/09/2024

Chọn cỡ chữ A a  

Sáng 5/9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội nghị phổ biến các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy và Thứ trưởng Lê Minh Ngân chủ trì Hội nghị. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã có bài phát biểu quan trọng khai mạc hội nghị, Trang thông tin Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng giới thiệu bài phát biểu này của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy.

 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc Hội nghị 

 

 

PHÁT BIỂU KHAI MẠC 

CỦA BỘ TRƯỞNG ĐỖ ĐỨC DUY 

tại Hội nghị phổ biến các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai năm 2024               

Thưa đồng chí Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

Thưa các đồng chí lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,

Thưa toàn thể các đồng chí lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ,

Thưa toàn thể các đồng chí,

Như các đồng chí đã biết, Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua ngày 18/01/2024 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khóa XV (sau khi được thảo luận qua 4 kỳ họp Quốc hội với đạo Luật quan trọng này). Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng; theo đó, quyết nghị Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 mục đích để đưa những nội dung mới mang tính đột phá của Luật sớm đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; trong đó, đã bao quát toàn diện các mặt công tác quản lý đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai…

Luật Đất đai năm 2024 giao Chính phủ quy định chi tiết 96 nội dung, trong đó Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu quy định chi tiết 86/96 nội dung, tập trung vào: điều tra cơ bản đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chế độ sử dụng các loại đất; giám sát, theo dõi và đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai; thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai…

Thưa toàn thể các đồng chí!

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm điều kiện cho việc đưa Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2024 (sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch), trong thời gian ngắn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 04 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành đồng bộ với Luật, bao gồm: Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 quy định về giá đất; Nghị định số  88/2024/NĐ-CP ngày 15/7/2024 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định số 101/2024/NĐ-CP ngày 29/7/2024 quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai; Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Đồng thời, Bộ cũng đã ban hành theo thẩm quyền 04 Thông tư được giao trong Luật. 

Những kết quả trên đây là thành quả được tạo nên từ tinh thần, thái độ làm việc bền bỉ, kiên trì, công phu, nghiêm túc; sự đóng góp công sức, trí tuệ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Tài nguyên và Môi trường từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, góp phần quản lý hiệu quả và giải phóng nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay và thời gian tiếp theo.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các đơn vị chuyên môn thuộc lĩnh vực đất đai của Bộ; sự phối hợp, tham gia đóng góp ý kiến tích cực, trách nhiệm của các địa phương, với vai trò tham mưu trực tiếp, thường xuyên của Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thưa toàn thể các đồng chí!

Cùng với các quy định của Luật, nội dung các nghị định hướng dẫn thi hành đã bao trùm phần lớn các nội dung quản lý nhà nước về đất đai, là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên đất tại địa phương.

Để kịp thời triển khai thi hành, sớm đưa Luật Đất đai thực sự đi vào cuộc sống, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi cả nước; hôm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị toàn quốc để phổ biến, quán triệt các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024. Để Hội nghị đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra, tôi đề nghị:

Đối với các đồng chí báo cáo viên được phân công trình bày các nghị định phải bảo đảm bao quát đầy đủ các nội dung; trong đó, tập trung phân tích rõ các nội dung trọng tâm, các điểm mới có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức thi hành tại địa phương.

Đối với các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung lắng nghe, theo dõi và thảo luận kỹ lưỡng về các điểm mới, các nội dung còn chưa rõ còn có cách hiểu khác nhau để các cơ quan của Bộ giải đáp nhằm đạt được sự thống nhất trong nhận thức, nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện trong thực tiễn. Sau Hội nghị này, các đồng chí sẽ trở thành báo cáo viên tại địa phương của mình, tiếp nối việc phổ biến, tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện thống nhất các quy định của pháp luật đất đai tại địa phương. Đồng thời, căn cứ các quy định của Luật và các Nghị định, Thông tư khẩn trương tham mưu để Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Thành phố ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật và các Nghị định, Thông tư, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai thi hành Luật tại địa phương. 

Tại Hội nghị hôm nay, chúng tôi rất mong muốn lắng nghe những khó khăn, vướng mắc.

Trong khuôn khổ Hội nghị quán triệt, phổ biến các Nghị định hôm nay, Ban tổ chức có gửi phiếu khảo sát, đề nghị các đồng chí cung cấp thông tin và tình hình xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đề nghị các đồng chí cung cấp đầy đủ thông tin để Bộ tổng hợp, báo cáo Chính phủ và tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai thi hành, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất.

Trong bối cảnh phải chuẩn bị và tổ chức thực hiện một khối lượng công việc rất lớn để triển khai thi hành Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành tại địa phương; đồng thời, tập trung tham mưu ban hành các văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND cấp tỉnh, nhưng Hội nghị hôm nay đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và tham dự đầy đủ của Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (có địa phương cử hơn 10 người tham gia hội nghị).

Thay mặt lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi xin trân trọng cảm ơn toàn thể quý vị đại biểu đã giành thời gian tham dự tại Hội nghị rất quan trọng này; trân trọng cảm ơn các cơ quan truyền thông, báo chí đến đưa tin về Hội nghị.

Chúc các đồng chí đại biểu dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công; chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!

Trân trọng cảm ơn./

 

Ý kiến

Phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tại Hội nghị Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Việt Nam

Ngày 14/11/2024, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc Hội và UBND thành phố Hà Nội chủ trì Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam” (Hội Nghị). Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT, đồng chí Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã có bài phát biều khai mạc Hội nghị, nhấn mạnh Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn được trao đổi các thông tin, giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị của Việt Nam. Từ các đề xuất tại Hội nghị sẽ được chuyển hoá thành hành động cụ thể và thiết thực, hướng đến một BẦU TRỜI XANH, KHÔNG KHÍ SẠCH cho các đô thị lớn trên cả nước. Trang Thông tin Bộ trưởng trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Bộ trưởng.