Sign In

Phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tại Hội nghị Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Việt Nam

15:00 14/11/2024

Chọn cỡ chữ A a  

Ngày 14/11/2024, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc Hội và UBND thành phố Hà Nội chủ trì Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam” (Hội Nghị). Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT, đồng chí Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã có bài phát biều khai mạc Hội nghị, nhấn mạnh Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn được trao đổi các thông tin, giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị của Việt Nam. Từ các đề xuất tại Hội nghị sẽ được chuyển hoá thành hành động cụ thể và thiết thực, hướng đến một BẦU TRỜI XANH, KHÔNG KHÍ SẠCH cho các đô thị lớn trên cả nước. Trang Thông tin Bộ trưởng trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Bộ trưởng.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc Hội nghị

BÀI PHÁT BIỂU KHAI MẠC CỦA BỘ TRƯỞNG ĐỖ ĐỨC DUY

TẠI HỘI NGHỊ THÚC ĐẨY THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ 

TẠI CÁC ĐÔ THỊ LỚN CỦA VIỆT NAM

Kính thưa đồng chí Nguyễn Trọng Đông, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội,

Thưa các quý vị đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, địa phương,

Thưa toàn thể quý vị,

Thay mặt cho Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi xin trân trọng chào mừng đồng chí Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, các đồng chí Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Bắc đã tham dự Hội nghị quan trọng ngày hôm nay.

Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực triển khai các nhiệm vụ trong Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2022, hiện thực hóa các chỉ đạo của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhấn mạnh các quan điểm:

- Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân có vai trò quan trọng.

- Bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu. Ưu tiên chủ động phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện chất lượng môi trường, kết hợp với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và, mới đây là Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2024.

Đây là hệ thống các Chiến lược, Quy hoạch, Chỉ thị rất quan trọng, cùng với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, đã cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Thưa toàn thể Hội nghị,

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam” để cùng với các bộ, ngành và địa phương để đánh giá kết quả triển khai công tác kiểm soát, quản lý chất lượng môi trường không khí; Phân tích những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý môi trường không khí;

Và quan trọng hơn, cùng nhau trao đổi, thảo luận để đề xuất các giải pháp trọng tâm, huy động các nguồn lực để giải quyết vấn đề cấp bách là tình trạng ô nhiễm không khí đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng hiện nay, đặc biệt ở các đô thị lớn.

Như quý vị đã biết,

Ô nhiễm không khí hiện nay là vấn đề ô nhiễm môi trường chính không chỉ ở Việt Nam, mà cũng là vấn đề môi trường chính của các quốc gia trên thế giới. Tại nhiều quốc gia, từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển, đều đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, khu vực đô thị. Một số quốc gia cũng đã có những bài học kinh nghiệm tốt về quản lý chất lượng môi trường không khí, mà chúng ta có thể tham khảo, học hỏi.

Tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm không khí đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm đã tăng lên mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn, như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, thông số ô nhiễm không khí chính hiện nay là bụi mịn kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet: PM 2,5 ( Pê Mờ 2,5 ).

Mặc dù ô nhiễm không khí xảy ra có quy luật theo mùa và bị ảnh hưởng lớn từ điều kiện khí hậu, thời tiết. Hàng năm, ô nhiễm tập trung từ tháng 10 của năm trước đến tháng 3 của năm tiếp theo. Trong ngày, ô nhiễm tập trung từ nửa đêm đến sáng, tuy nhiên, dữ liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, diễn biến ô nhiễm không khí đã tăng dần theo thời gian, đặc biệt khi các hoạt động kinh tế - xã hội đã có sự phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19.

Thực tế này đòi hỏi phải thực hiện ngay các giải pháp tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Thưa toàn thể Hội nghị,

Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng với các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là thành phố Hà Nội triển khai nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường không khí nói riêng. Dư luận xã hội và người dân cũng rất quan tâm đến ô nhiễm không khí, đồng thời báo chí và các đơn vị truyền thông cũng đã tích cực đưa tin bài, phản ánh về nội dung này.

Nhưng hiện nay, công tác kiểm soát, quản lý chất lượng không khí vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự đoàn kết vì mục tiêu chung, bởi ô nhiễm không khí không theo địa giới hành chính, ô nhiễm không khí không phải trách nhiệm của riêng từng Bộ, từng Ngành hay từng Địa phương bảo vệ môi trường không khí là trách nhiệm của toàn xã hội.

Hội nghị này có sự tham gia của đại diện 12 Bộ, ngành; 02 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; 13 địa phương là các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; cùng với sự tham gia của gần 20 chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều nghiên cứu về ô nhiễm không khí.

Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn được trao đổi các thông tin, giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị của Việt Nam. Từ các đề xuất tại Hội nghị sẽ được chuyển hoá thành hành động cụ thể và thiết thực, hướng đến một BẦU TRỜI XANH, KHÔNG KHÍ SẠCH cho các đô thị lớn trên cả nước.     

Thông qua Hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí đã quan tâm tới hiện trạng ô nhiễm không khí nói riêng và công tác bảo vệ môi trường nói chung. Chúng tôi tin tưởng rằng các cơ quan truyền thông sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác tới người dân và cộng đồng trong thời gian tới.

Một lần nữa, xin chúc toàn thể các quý vị đại biểu sức khỏe, bình an và hạnh phúc. Chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn các quý vị./.

CTTĐT

Ý kiến

Phát biểu Kết luận của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tại diễn đàn Lắng nghe nông dân nói

Phát biểu Kết luận Diễn đàn "Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường lắng nghe nông dân nói" , Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Mội trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định : Với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ngành, cùng với tình cảm đặc biệt dành cho bà con nông dân và các cấp hội nông dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc đổi mới, phát huy, vai trò, vị trí của nông dân và các cấp hội để cùng chung tay, góp sức thực hiện mục tiêu phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Phát biểu của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tại Diễn đàn

Phát biểu của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tại Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói "

Sáng ngày 24/11/2024, tại Trung tâm Hội nghị 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” với chủ đề “Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông thôn”. Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, Diễn đàn dịp để Bộ Tài nguyên và Môi trường truyền tải những thông điệp, phổ biến những cơ chế chính sách mới và quan trọng đến từng cấp hội nông dân, để từ đó lan tỏa đến từng bà con nông dân trên cả nước. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu bài phát biểu của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy.

Phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tại Hội nghị phổ biến các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024

Sáng 5/9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội nghị phổ biến các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy và Thứ trưởng Lê Minh Ngân chủ trì Hội nghị. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã có bài phát biểu quan trọng khai mạc hội nghị, Trang thông tin Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng giới thiệu bài phát biểu này của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy.