Sign In

Phối hợp chặt chẽ với đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội để nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường

15:05 02/01/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, việc phối hợp với đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” là cơ hội để Quốc hội, cử tri có đánh giá khách quan, toàn diện về nhiệm vụ này của các bộ, ngành, địa phương đồng thời đưa ra giải pháp để nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường trong thời gian tới.


small_bt-toan-canh.jpg

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về phối hợp với đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”

Sáng 2/1/2025, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì buổi làm việc với các cơ quan chuyên môn để triển khai kế hoạch trong công tác phối hợp với Đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” theo Nghị quyết số 130/2024/QH15 ngày 08/6/2024 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Lê Công Thành; Lãnh đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

small_toan-canh.jpg

Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ báo cáo tại cuộc họp

Theo báo cáo, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 130/2024/QH15 và Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 4923/VPCP-QHĐP ngày 12/7/2024 về việc thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức các cuộc họp để phân công đơn vị đầu mối, các đơn vị phối hợp… để phối hợp với Đoàn giám sát.

Các cơ quan chuyên môn của Bộ cũng đã làm việc với Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thuộc Ủy ban Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để thống nhất trong việc đề xuất các nội dung giám sát tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và phối hợp, chuẩn bị các nội dung khác phục vụ Đoàn giám sát đồng thời xây dựng dự thảo Kế hoạch chi tiết giám sát chuyên đề và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, Đoàn Đại biểu Quốc hội, đối tượng chịu sự giám… Đến nay, Dự thảo Kế hoạch chi tiết và 14 Đề cương báo cáo nêu trên đã được lấy ý kiến của thành viên Đoàn giám sát, đã được tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Báo cáo cũng nêu, dự thảo Kế hoạch đã xác định các mục đích, yêu cầu của hoạt động giám sát là xem xét, đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường; việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Hoạt động giám sát phải bảo đảm yêu cầu là việc đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường cần bám sát các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể được xác định trong các văn kiện của Đảng và quy định của pháp luật có liên quan. Việc tiến hành giám sát đúng quy định pháp luật; bảo đảm tính toàn diện, khách quan, trung thực và tiến độ theo kế hoạch….

small_bt-phat-bieu(1).jpg

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, việc phối hợp với đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” là cơ hội để Quốc hội, cử tri có đánh giá khách quan, toàn diện về nhiệm vụ này của các bộ, ngành, địa phương đồng thời đưa ra giải pháp để nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Thứ trưởng Lê Công Thành cũng nghe các ý kiến đóng góp, bổ sung vào Kế hoạch cho hoạt động giám sát cũng như các nhiệm vụ chuyên môn về việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; bố trí và sử dụng nguồn lực cho bảo vệ môi trường; bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; công tác thanh tra, kiểm tra…

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, nhiệm vụ phối hợp với đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội là nhiệm vụ quan trọng của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2025, do đó cần phải đầu tư các nguồn lực của Bộ để thực hiện nhiệm vụ này. Theo Bộ trưởng, thông qua công tác Giám sát tối cao của Quốc hội sẽ là cơ hội để các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội có sự nhìn nhận khách quan, toàn diện về lĩnh vực bảo vệ môi trường của cả quốc gia nói chung cũng như của các cơ quan chính phủ, các lĩnh vực, địa phương nói riêng… Trên cơ sở đó, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp (xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện) để phát huy các kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Về nhiệm vụ của Bộ để phối hợp với đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ ra các nhóm nhiệm vụ và đề nghị các cơ chuyên môn được giao phải thực hiện sớm nhất, trong đó tập trung vào việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ và các nhiệm vụ thuộc nội dung giám sát; khẩn trương xây dựng các báo cáo giám sát, trong đó phải phản ánh toàn diện, khách quan, thực chất trong công tác bảo vệ môi trường từ đó đưa ra các kiến nghị với Đoàn giám sát, với Quốc hội để tiếp tục thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; phân công các đầu mối chuyên môn để phối hợp với Đoàn giám sát (trước, trong và sau hoạt động); xây dựng các dự thảo chuyên đề hoạt động và tổ chức, kiện toàn lại bộ máy để triển khai các hoạt động sau giám sát.

Với những nhiệm vụ cụ thể, Bộ trưởng giao các đơn vị chuyên môn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường lên kế hoạch cụ thể để phân công, phân nhiệm cho các cơ quan cùng phối hợp, trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Ngoài ra, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng đề nghị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường; truyền thông mạnh mẽ trong quá trình hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội.

Khương Trung

Ý kiến

Chào 2025

Chào 2025

“Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”, câu thơ của nhà thơ Lê Anh Xuân trong kiệt tác “Dáng đứng Việt Nam” thật đúng với Xuân 2025 - toàn Đảng, toàn dân ta xác định là năm khởi đầu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam để xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!
Đường lớn đã mở!

Đường lớn đã mở!

2025 đã tới với bao hứa hẹn. Con tàu Việt Nam đang băng băng trên cung đường mùa xuân để vươn tới những đỉnh cao mới, thành tựu mới! Trên chuyến tàu mùa xuân ấy, ngành tài nguyên và môi trường cũng vừa tạm biệt một năm 2024 bộn bề khó khăn nhưng tràn đầy quyết tâm, nỗ lực, gặt hái thành công, tạo nền tảng, điểm tựa vững vàng để vươn mình cùng đất nước.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Khuôn khổ pháp lý về tập trung, tích tụ đất trong sản xuất nông nghiệp đã đầy đủ, rõ ràng

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Khuôn khổ pháp lý về tập trung, tích tụ đất trong sản xuất nông nghiệp đã đầy đủ, rõ ràng

Trả lời câu hỏi của nông dân Vũ Thị Thương Huyền, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết: Theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương, khi xây dựng Luật Đất đai để trình Quốc hội thông qua, Chính phủ đã rất chú trọng đến việc bổ sung chính sách về tập trung và tích tụ đất đai trong sản xuất nông lâm nghiệp, trong đó đã quy định cụ thể các phương thức để tập trung và tích tụ đất đai.