Sáng 23/10, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Căn cứ tình hình thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch sử dụng đất quốc gia) của các bộ, ngành, địa phương; căn cứ Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, cụ thể:
Quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần điều chỉnh đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thông tin, qua 3 năm thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025 đã phát huy hiệu quả tích cực, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các địa phương và của cả nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, thiên tai, kết hợp với các tác động tiêu cực từ tình hình biến động kinh tế, chính trị thế giới, dẫn đến việc phát triển các ngành, lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn nên việc chuyển dịch đất đai để thực hiện các dự án phát triển một số ngành, lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu; việc chuẩn bị đầu tư và bố trí nguồn lực để thực hiện quy hoạch còn hạn chế.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chỉ tiêu sử dụng một số loại đất có sự không đồng đều giữa các địa phương, mặc dù đã được phân bổ điều chỉnh, bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, điều này cũng đã ảnh hưởng tới kết quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại Quốc hội sáng 23/10
Theo Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã bám sát cơ sở căn cứ chính trị đó là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xác định mục tiêu “Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…” và đặt ra yêu cầu “Các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ thúc đẩy lẫn nhau để phát triển”.
Đồng thời, kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia có chỉ đạo: “Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất,…”
Về căn cứ pháp lý, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thông tin, thứ nhất, căn cứ điều chỉnh quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch thì Quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật Quy hoạch năm 2017, việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau đây: “ Có sự điều chỉnh mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực làm thay đổi mục tiêu của quy hoạch;…”.
Hiện nay, để chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng, Trung ương Đảng đang xây dựng Dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030 để trình Đại hội xem xét, quyết nghị. Do đó, việc điều chỉnh mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội sẽ dẫn đến yêu cầu phải điều chỉnh mục tiêu của Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Đồng thời, tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII đã thống nhất chủ trương thực hiện Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trước năm 2030 với nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.827 ha, hiện nay Chính phủ đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại Kỳ họp này; cùng với đó, nhiều dự án hạ tầng quan trọng quốc gia đã và đang được chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 nên cần phải sớm xác định và bố trí bổ sung quỹ đất thực hiện các dự án, bảo đảm mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia.
Căn cứ pháp lý thứ hai có yêu cầu về rà soát, điều chỉnh định kỳ Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và các quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch. Do đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Quy hoạch“Quy hoạch được rà soát theo định kỳ 05 năm…”. Như vậy, theo quy định này thì đến năm 2025 phải tiến hành rà soát, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch tỉnh.
Căn cứ pháp lý thứ ba do có sự thay đổi các quy định của pháp luật về hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Đất đai năm 2013 thì quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia do Quốc hội phê duyệt. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 thì Quy hoạch sử dụng đất quốc gia do Quốc hội phê duyệt, còn Kế hoạch sử dụng đất quốc gia do Chính phủ phê duyệt.
Theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật đất đai năm 2013 thì Quy hoạch sử dụng đất quốc gia bao gồm 28 chỉ tiêu sử dụng đất; theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 thì Quy hoạch sử dụng đất quốc gia chỉ còn 08 chỉ tiêu sử dụng đất gồm: nhóm đất nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên); nhóm đất phi nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất quốc phòng, đất an ninh).
Toàn cảnh phiên họp sáng 23/10
Trình Quốc hội xem xét, thông qua, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, qua 3 năm tổ chức thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đến nay nhiều chỉ tiêu sử dụng đất đã không còn phù hợp, xuất phát từ những lý do sau:
Tại thời điểm Quốc hội thông qua Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thì Quy hoạch tổng thể quốc gia và nhiều quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt. Do đó, chưa xác định đầy đủ, chính xác nhu cầu sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia. Sau khi các quy hoạch này được phê duyệt, cần phải điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống các quy hoạch.
Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, nhất là sau đại dịch Covid 19, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án quan trọng quốc gia, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng… với quy mô sử dụng đất lớn, làm tăng nhu cầu sử dụng một số loại đất tại các địa phương có dự án so với chỉ tiêu đã được phân bổ.
Từ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và tình hình thực tiễn nêu trên, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, việc Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV là rất cần thiết để Chính phủ có đủ thời gian tổ chức lập, thẩm định, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp thường lệ cuối năm 2025, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Dự kiến các nội dung điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia
Đánh giá tác động của việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến các quy hoạch liên quan, quá trình đô thị hóa và phát triển hạ tầng, Tờ trình của Chính phủ có nêu, theo quy định của Luật Quy hoạch, khi tổ chức lập quy hoạch phải căn cứ vào quy hoạch cao hơn; khi quy hoạch cấp dưới có mâu thuẫn với quy hoạch cao hơn thì phải thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch cao hơn. Như vậy, trường hợp Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được điều chỉnh thì phải tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch cấp thấp hơn như: quy hoạch ngành quốc gia có sử dụng đất, quy hoạch tỉnh,… Tuy nhiên, dự báo việc điều chỉnh các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh là không lớn do phần lớn các quy hoạch này đã xác định nhu cầu sử dụng đất cho tầm nhìn dài hạn đến năm 2050.
Quốc hội nghe Tờ trình chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025.
Về dự kiến các nội dung điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, căn cứ theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia với các nội dung chủ yếu bao gồm: Điều chỉnh 08 chỉ tiêu sử dụng đất gồm: nhóm đất nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên); nhóm đất phi nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất quốc phòng, đất an ninh); Không trình Quốc hội phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
Với việc tính toán, xác định 08 chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia điều chỉnh lần này cần phải tiến hành rà soát kỹ lưỡng, cân đối các chỉ tiêu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và các địa phương; trong đó, ưu tiên bố trí quỹ đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, giữ ổn định quỹ đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, quản lý chặt chẽ đất rừng, duy trì độ che phủ rừng để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất nội dung Quốc hội quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia như sau: “Đồng ý chủ trương giao Chính phủ tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Quốc hội thông qua trong năm 2025” và đưa thành một nội dung tại Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.