Hai bên trao đổi về nội dung biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, thu hút đầu tư nước ngoài, hướng dẫn các quy định mới về tiếp cận đất đai đối với doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghiệp, đô thị và dịch vụ, hợp tác phát triển bền vững, kinh tế biển, phát triển điện gió ngoài khơi, tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao và định hướng hợp tác giữa hai Bộ và các địa phương trong thời gian tới.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cùng Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn làm việc với Bộ trưởng Tan See Leng - Bộ trưởng Bộ Nhân lực và Bộ trưởng Thứ 2 Bộ thương mại và Công nghiệp Singapore.
Tham gia đoàn công tác cùng Bộ trưởng Đỗ Đức Duy có Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cùng các cán bộ chuyên môn của các đơn vị.
Tại cuộc tiếp và làm việc, hai Bộ trưởng cùng nhau ôn lại mối quan hệ ngoại giao 50 năm giữa hai quốc gia và hơn 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore.
Hai Bộ trưởng ghi nhận hợp tác giữa hai quốc gia đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước lên bước phát triển mới.
Trao đổi với Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Tan See Leng vui mừng vì trong thời gian qua, Việt Nam - Singapore đã nâng tầm chất lượng hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững.
Để có được những kết quả đó, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá cao Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam luôn là một trong những đối tác có hoạt động hợp tác thường xuyên với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững kinh tế biển…
Triển khai các nhóm nhiệm vụ thực hiện Điều 6 Thỏa thuận Paris và phát triển điện gió ngoài khơi
Trao đổi về lĩnh vực biến đổi khí hậu, hai Bộ trưởng nhắc lại Bản Ghi nhớ hợp tác theo Điều 6 Thỏa thuận Paris trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Singapore ngày 17/10/2022
Nhằm triển khai nội dung Bản Ghi nhớ, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã phối hợp với Ban Thư ký biến đổi khí hậu quốc gia Singapore và các cơ quan liên quan của Singapore trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về triển khai chính sách thuế các-bon, thị trường tín chỉ các-bon, quản lý và phát triển các hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính.
Phía Singapore cũng đề xuất một số hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để thí điểm trao đổi kết quả giảm phát thải khí nhà kính đạt được để đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của cả hai quốc gia. Đồng thời, phối hợp để xây dựng dự thảo Thỏa thuận thực hiện theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris giữa hai Chính phủ Việt Nam và Singapore.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Nhóm làm việc đàm phán Thỏa thuận thí điểm thực hiện theo Điều 6 Thỏa thuận Paris gồm đại diện các Bộ ngành của Việt Nam.
Để tiếp tục triển khai Bản Ghi nhớ hợp tác, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chủ trì làm việc với Nhóm đàm phán Thỏa thuận phía Việt Nam và cơ quan đầu mối của phía Singapore nhằm: Trao đổi, đàm phán, xây dựng Thỏa thuận hợp tác theo Điều 6 Thỏa thuận Paris với một số dự án cụ thể theo quy định của Luật Điều ước quốc tế (có ràng buộc pháp lý) và phù hợp với các hướng dẫn thực hiện quy định về Điều 6 Thỏa thuận Paris được thông qua tại Hội nghị COP29 vừa qua.
Trao đổi với Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Tan See Leng cho biết, với lộ trình đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Singapore có kế hoạch nhập khẩu 4 GW điện sạch từ các quốc gia trong khu vực (dự kiến có thể tăng lên 6 GW) tới năm 2035.
Với những thoả thuận hợp tác giữa Việt Nam và Singapore hai Bộ trưởng kỳ vọng sẽ có những hợp tác để triển khai dự án một phần điện từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam và xuất khẩu sang Singapore qua tuyến cáp cao áp ngầm dưới biển, đáp ứng nhu cầu điện sạch từ năm 2030 của Singapore. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá đây là một dấu mốc trong chặng đường hợp tác giữa Việt Nam và Singapore.
Hợp tác toàn diện nhằm giải quyết các vấn đề quốc gia, khu vực và toàn cầu
Tại buổi làm việc, hai Bộ trưởng cùng nhau thống nhất nhiều nội dung hợp tác để trao đổi kinh nghiệm, tăng cường năng lực giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nhân lực, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore và các đối tác khác của Singapore.
Hai Bộ trưởng cùng nhau thống nhất nhiều nội dung hợp tác để trao đổi kinh nghiệm, tăng cường năng lực giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nhân lực, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore và các đối tác khác của Singapore.
Trong lĩnh vực Quản lý tài nguyên môi trường biển, bao gồm: quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển; trao đổi về các chính sách quản lý biển của hai nước thông qua nhiều hình thức như thăm quan, học tập, hội thảo, diễn đàn quốc tế.
Lĩnh vực Bảo vệ môi trường, quản lý chất thải đô thị, quản lý chất lượng môi trường không khí, tăng cường Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR).
Về ứng phó với Biến đổi khí hậu: Tiếp tục hoàn thiện chính sách về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp; đào tạo nhân lực bị ảnh hưởng do quá trình chuyển đổi năng lượng, đào tạo nhân lực chất lượng cao mà Singapore hiện có thế mạnh.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tin tưởng rằng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước nói chung và Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore sẽ ngày càng được củng cố, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững kinh tế biển.
“Chúng tôi mong muốn được tiếp tục làm việc chặt chẽ với Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, các đối tác của Singapore và Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội, trong thời gian tới để cùng nhau triển khai các hoạt động hợp tác góp phần giải quyết các vấn đề quốc gia, khu vực và toàn cầu.” - Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói.