Sign In

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Bảo vệ môi trường không khí là trách nhiệm của toàn xã hội

16:19 14/11/2024

Chọn cỡ chữ A a  

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, công tác kiểm soát, quản lý chất lượng không khí vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự đoàn kết vì mục tiêu chung, bởi ô nhiễm không khí không theo địa giới hành chính, ô nhiễm không khí không phải trách nhiệm của riêng từng Bộ, từng Ngành hay từng Địa phương mà bảo vệ môi trường không khí là trách nhiệm của toàn xã hội.

small_20241411_bt-du-hn-onkk-_2(1).jpg

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam”.

 

Ngày 14/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam”.

Đến tham dự và chủ trì Hội nghị, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan chủ trì Hội nghị, có Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Về phía Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội, có đồng chí Trần Ngọc Hoa, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội.

Về phía UBND TP Hà Nội có đồng chí Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

 

small_daib-ieu.jpg

Các đại biểu tham dự Hội nghị

 

Hội nghị còn có sự tham dự của các đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành, địa phương; đặc biệt có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh, một trong những thành phố lớn, trung tâm kinh tế, địa phương cũng đang nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp cải thiện ô nhiễm không khí.

Hướng đến một bầu trời xanh, không khí sạch

small_20241411_bt-du-hn-onkk-_3.jpg

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, bảo vệ môi trường không khí là trách nhiệm của toàn xã hội

 

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh “Bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu. Ưu tiên chủ động phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách”.

Ô nhiễm không khí hiện nay là vấn đề ô nhiễm môi trường chính không chỉ ở Việt Nam, mà cũng là vấn đề môi trường chính của các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm môi trường không khí đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa nhưng mức độ ô nhiễm có xu hướng ngày càng gia tăng trong 10 năm gần đây là vấn đề rất đáng lo ngại cần tập trung giải quyết.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng với các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là thành phố Hà Nội triển khai nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường không khí nói riêng. Dư luận xã hội và người dân cũng rất quan tâm đến ô nhiễm không khí, đồng thời báo chí và các đơn vị truyền thông cũng đã tích cực đưa tin bài, phản ánh về nội dung này.

 

small_20241411_bt-du-hn-onkk-_4.jpg

Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng với các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là thành phố Hà Nội triển khai nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường không khí nói riêng.

 

Nhưng hiện nay, công tác kiểm soát, quản lý chất lượng không khí vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự đoàn kết vì mục tiêu chung, bởi ô nhiễm không khí không theo địa giới hành chính, ô nhiễm không khí không phải trách nhiệm của riêng từng Bộ, từng Ngành hay từng Địa phương mà bảo vệ môi trường không khí là trách nhiệm của toàn xã hội.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, hội nghị có sự tham gia của đại diện 12 Bộ, ngành; 02 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; 13 địa phương là các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; cùng với sự tham gia của gần 20 chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều nghiên cứu về ô nhiễm không khí.

 

small_20241411_bt-du-hn-onkk-_5.jpg

Toàn cảnh Hội nghị

Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn được trao đổi các thông tin, giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị của Việt Nam. Từ các đề xuất tại Hội nghị sẽ được chuyển hoá thành hành động cụ thể và thiết thực, hướng đến một BẦU TRỜI XANH, KHÔNG KHÍ SẠCH cho các đô thị lớn trên cả nước.

 

Hành động mạnh mẽ mang lại bầu không khí trong lành

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Đông – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, theo thống kê, số dân cư sống tại Hà Nội khoảng 9 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm trên 40% . Toàn địa bàn thành phố có 10 khu công nghiệp, 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ô tô. Thành phố mỗi ngày tiêu thụ ước tính khoảng 80 triệu KWh điện và hàng triệu lít xăng, dầu. Chưa kể tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát đang diễn ra thường xuyên trên địa bàn thành phố… “đây chính là những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm không khí.” – ông Đông thông tin.

 

small_20241411_bt-du-hn-onkk-_6.jpg

Ông Nguyễn Trọng Đông – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu

 

Trước thực trạng đó, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí. Điển hình, đã xoá bỏ hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xoá bỏ hàng trăm lò gạch thủ công, thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày đạt trên 90% ở tất cả các khu vực trên địa bàn Thủ đô, triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí…

Đồng thời, Thành phố cũng đã ban hành nhiều chương trình, chính sách nhằm đưa Thành phố phát triển theo hướng kinh tế xanh, tận dụng các cơ hội phát triển theo hướng các-bon thấp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phòng tránh, giảm thiểu những hiểm hoạ của biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai, góp phần vào nỗ lực chung của Việt Nam thực hiện cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” – net zero vào năm 2050.

Với tinh thần đó, theo Phó Chủ tịch thành phố, Hà Nội đã trình Quốc hội ban hành Luật Thủ đô, trong đó có khoản a điều 28 quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp để hạn chế phương tiện giao thông ô nhiễm môi trường, nhằm cải thiện chất lượng không khí và ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035.

Để thực hiện hiệu qủa các giải pháp cải thiện chất lượng không khí, thành phố Hà Nội mong muốn nhân được sự hỗ trợ từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội, các Bộ, ngành trung ương, sự hợp tác chặt chẽ, đồng lòng với các tỉnh, thành phố lân cận và sự tham gia hành động của chính quyền các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế.

“Chúng ta cần có các hành động mạnh mẽ, kịp thời và quyết liệt hơn nữa để mang lại bầu không khí trong lành cho người dân.” – ông Nguyễn Trọng Đông bày tỏ.

Ô nhiễm không khí là vấn đề hiện hữu của Việt Nam

small_20241411_bt-du-hn-onkk-_7.jpg

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội nghị

 

Theo thông tin báo cáo từ Hội nghị, ô nhiễm không khí là vấn đề hiện hữu của Việt Nam, mà trọng tâm là 02 khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc (xung quanh thành phố Hà Nội) và phía Nam (xung quanh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh). Ô nhiễm môi trường không khí có tính quy luật theo mùa (từ khoảng tháng 10-11 của năm trước, kèo dài tới tháng 4 năm sau) và tập trung chủ yếu tại một số điểm có mật độ giao thông và tập trung nhiều cơ sở sản xuất.

Về thông số ô nhiễm, hiện nay các kết quả theo dõi cho thấy, ô nhiễm tập trung vào hàm lượng bụi, trong đó có bụi mịn (PM2.5), đối với các thông số khác NO2, O3, CO, SO2 đều đạt giới hạn cho phép của QCVN 05:2023/BTNMT. Giá trị bụi PM2,5 quan trắc tại các khu vực trên cả nước có sự phân hóa mạnh giữa các vùng, miền. Giá trị bụi PM2,5 cao nhất tại khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận thuộc đồng bằng sông Hồng, kế tiếp là khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh xung quanh. Giá trị bụi PM2,5 thấp nhất tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Hội nghị cũng đã trình bày nhiều kinh nghiệm thành công giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường không khí của một số nước trong khu vực, từ đó đưa ra các nhóm giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam cần tập trung triển khai trong thời gian tới.

 

 

Khương Trung - Minh Hạnh

Ý kiến

Quyết tâm cao, nỗ lực lớn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Quyết tâm cao, nỗ lực lớn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Tại Hội nghị giao ban công tác tháng 10, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các đơn vị cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn hơn nữa để hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ, ngành đã giao từ đầu năm.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn 3, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái

Sáng 17/11, đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã đến dự, chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn 3, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tặng quà, động viên thầy và trò Trường Tiểu học và THCS xã Minh Quán

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tặng quà, động viên thầy và trò Trường Tiểu học và THCS xã Minh Quán

Sáng 17/11, ông Đỗ Đức Duy - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Yên Bái đã đến thăm, chúc mừng cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Minh Quán nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 – 20/11/2024. Cùng đi có Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước; Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái Giàng A Tông.