Thông tin báo chí
Thông tin về Hội thảo tham vấn Dự án thủy điện Pắc-Beng trên dòng chính sông Mê Công (13/05/2017 14:00:00)
Tiếp theo Hội thảo tham vấn Dự án thủy điện Pắc-Beng trên dòng chính sông Mê Công của Lào được tổ chức tại Hà Nội ngày 05/5/2017, ngày 12/5/2017 tại thành phố Cần Thơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã tổ chức Hội thảo để tham vấn các bên liên quan khu vực phía Nam về Dự án thủy điện Pắc-Beng. Tham dự Hội thảo có 150 đại biểu là đại diện của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các chuyên gia, nhà khoa học và phóng viên các báo đài tham dự hội thảo. Đồng chí Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Dự án thủy điện Pắc-Beng đã được Lào thông báo cho Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) vào cuối năm 2016. Theo quy định tại Điều 5 Hiệp định Mê Công 1995 và thủ tục thông báo, tham vấn trước, Thoả thuận của MRC, quốc gia có kế hoạch xây dựng công trình thủy điện trên dòng chính cần tuân thủ quá trình Tham vấn trước trước khi triển khai. Trên cơ sở thông báo của Lào cho Ủy hội sông Mê Công quốc tế về Dự án thủy điện Pắc-Beng, Ủy hội đã thống nhất quá trình Tham vấn trước cho Dự án thủy điện Pắc-Beng bắt đầu từ ngày 20/12/2016 và kéo dài ít nhất 6 tháng nhằm cung cấp thông tin cho các bên liên quan; tập hợp ý kiến góp ý về những tác động, biện pháp giảm thiểu tác động và xem xét kiến nghị về việc xây dựng Dự án thủy điện Pắc-Beng của Lào trên dòng chính sông Mê Công.

“Là quốc gia nằm ở cuối nguồn, Việt Nam đang theo dõi tình hình trên với mối quan tâm đặc biệt và sự quan ngại sâu sắc về các tác động của các công trình thuỷ điện trên sông Mê Công nói chung và Dự án thuỷ điện này nói riêng đến môi trường, an ninh sinh thái, sự phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những tác động luỹ tích từ sự gia tăng các hoạt động sử dụng nước ở thượng nguồn và diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu cực đoan đang tạo thành những tác động kép đến toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam mà đỉnh điểm là đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016 và hiện tượng sạt lở, nghiêm trọng đã xảy ra tại tỉnh An Giang và nhiều địa phương khác ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Điều này làm cho chúng ta càng quan ngại sâu sắc hơn về nguyên nhân gây ra các hiện tượng này, đòi hỏi phải khẩn trương có các giải pháp phù hợp.

Mục tiêu của Hội thảo nhằm thực hiện tham vấn để đưa ra những ý kiến khoa học và pháp lý đóng góp cho kế hoạch triển khai Dự án thủy điện Pắc-Beng của Lào đảm bảo được lợi ích của đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam đồng thời hài hòa với lợi ích của Lào và các bên liên quan; hài hòa lợi ích các mặt kinh tế, xã hội và môi trường trên cơ sở thực hiện đúng Hiệp định Mê Công năm 1995, các thủ tục liên quan và thông lệ quốc tế", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc.

Tại Hội thảo, các đại biểu thể hiện những lo ngại và đồng tình về những vấn đề mà các chuyên gia quốc tế của Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã chỉ ra đối với Dự án thủy điện Pắc-Beng như: tình hình thiếu số liệu ở nhiều lĩnh vực (phù sa bùn cát, sinh thái, thủy sản, kinh tế, xã hội…); thiếu cơ sở khoa học để đánh giá tác động; thiếu nội dung đánh giá tác động xuyên biên giới; chưa chứng minh được hiệu quả của các giải pháp giảm thiểu và thiếu việc nghiên cứu tác động lũy tích của công trình thủy điện Pắc-Beng với các dự án thủy điện dòng chính khác là Xay-nha-bu-ly, Đôn Sa-hông đang được xây dựng và với toàn bộ bậc thang 11 công trình thủy điện trên dòng chính.

Các đại biểu cũng nêu những quan ngại về tác động đến sinh kế của cộng đồng dân cư chưa được nghiên cứu đầy đủ, đặc biệt sự biến động không theo quy luật tự nhiên của dòng chảy, thiếu hụt phù sa bùn cát sẽ tác động lớn đến hoạt động sản xuất của người dân ở hạ du; làm sụt giảm nguồn lợi thủy sản và biến đổi các hệ sinh thái tự nhiên; đồng thời những vấn đề địa chất, an toàn đập chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là cần làm rõ vị trí công trình thủy điện Pắc-Beng có liên quan đến khu vực có nguy cơ động đất cao; việc an toàn đập của Pắc-Beng cần được nghiên cứu trong bối cảnh tác động dây truyền với các bậc thang khác trên dòng chính về phía hạ du.

Các đại biểu cũng đề nghị phải xem xét tác động của các dự án thủy điện dòng chính sông Mê Công trong bối cảnh Trung Quốc phát triển mạnh mẽ thủy điện trên sông Lan Thương với sức điều tiết lớn kết hợp với các hiện tượng khí hậu cực đoan sẽ gây những tác động bất lợi khôn lường về hạn hán, xâm nhập mặn đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Với những lo ngại sâu sắc diễn biến phức tạp của tài nguyên nước và các tài nguyên khác ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tình trạng thiếu số liệu của lưu vực Mê Công và Dự án thủy điện Pắc-Beng, rất nhiều ý kiến tại Hội thảo đề nghị quá trình tham vấn cần có thêm thời gian để tiến hành thu thập bổ sung số liệu, đánh giá đầy đủ tác động của công trình thủy điện Pắc-Beng gồm các tác động lũy tích và tác động xuyên biên giới bằng cá phương pháp; nghiên cứu kỹ lưỡng các biện pháp giảm thiểu tác động để ra các quyết định hợp lý trên cơ sở khoa học nhằm sử dụng và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công; và để khi có kết quả nghiên cứu chung của MRC. Phát biểu bế mạc Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh:

1. Việc xây dựng đập thuỷ điện Pắc Beng là nhu cầu của Lào, chắc chắn có tác động tiêu cực đến hạ lưu sông Mê Công, trong đó có cả bản thân nước Lào. Cùng với biến đổi khí hậu, tác động kép này chắc chắn sẽ gây ra những bất lợi đến Việt Nam và các quốc gia khác trong lưu vực.

2. Để hạn chế được tối đa tác động tiêu cực của việc xây dựng, vận hành đập thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Công, trong đó có đập Pắc-Beng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hài hoà lợi ích của tất cả các bên liên quan, hài hoà lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường, sinh thái của chính khu vực đập thuỷ điện, của thượng, hạ nguồn và đồng bằng sông Cửu Long; hài hoà lợi ích xây dựng, vận hành, sử dụng đập thuỷ điện với duy trì giá trị và chức năng sống còn của sông Mê Công, gắn kết lợi ích đi kèm với nghĩa vụ các nước sử dụng dòng sông này, cần tiến hành các giải pháp dựa trên những luận cứ khoa học thuyết phục và tình hữu nghị đặc biệt lâu đời giữa Việt Nam với Lào, khuôn khổ pháp lý, quy định của MRC và thông lệ quốc tế (các công ước quốc tế sử dụng dòng nước xuyên biên giới, Công ước về luật sử dụng các nguồn nước cho các mục đích phi giao thông thuỷ,...).

3. Cần đánh giá tác động luỹ tích, tác động dây chuyền, ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là tác động xuyên biên giới đối với các  lĩnh vực (Thuỷ văn, thuỷ lực; thuỷ sản và hệ sinh thái thuỷ sinh; chất lượng nước, kinh tế, sinh kế, giao thông thuỷ, văn hoá, xã hội, an toàn đập...) đối với cả thượng, hạ nguồn, đồng bằng sông Cửu Long đối với tất cả các bên liên quan của việc xây dựng, vận hành, sử dụng, quản lý đập thuỷ điện trên sông Mê Công trong điều kiện bình thường và thời kỳ diễn ra các cực đoan khí hậu; Phát hiện và đánh giá giá trị và chức năng sống còn của sông Mê Công đối với các bên liên quan làm căn cứ cho việc thiết kế, xây dựng, vận hành quản lý đập thuỷ điện theo hướng bền vững; Lượng giá tổng thiệt hại của các tác động do xây dựng và vận hành đập thuỷ điện (Pắc-Beng và các đập khác trên dòng chính sông Mê Công,...) theo các phương án khác nhau (về mức độ áp dụng các giải pháp khuyến cáo để giảm thiểu tác động tiêu cực), lượng giá lợi ích mà các giải pháp khuyến nghị đảm bảo phát triển bền vững (hài hoà lợi ích kinh tế, sinh kế của tất cả các bên liên quan - xã hội - môi trường, sinh thái,...) khi xây dựng, vận hành đập.

4. Trước mắt sử dụng tối đa số liệu của Ủy hội sông Mê Công quốc tế và các số liệu hiện có tin cậy; đồng thời cùng điều tra, khảo sát, quan trắc và sử dụng chung thông tin, dữ liệu mới vào thời gian trước, trong  khi xây dựng đập, trong quá vận hành đập thuỷ điện về các lĩnh vực nêu trên, về giá trị và chức năng sống còn của sông Mê Công, bao gồm cả vùng đồng bằng sông Cửu Long;

5. Khi đánh giá các tác động nêu trên cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn của MRC, sử dụng các phương pháp và mô hình tin cậy, bổ sung các phương pháp đánh giá phù hợp với các nội dung và thời gian đánh giá nêu trên...;

6. Cần tiến hành lượng giá thiệt hại, lợi ích đầu tư, khi bổ sung các giải pháp xây dựng và vận hành đập theo hướng phát triển bền vững, cần đề xuất đối với Lào để có cơ chế phối hợp hiệu quả.

7. Đối với các bên liên quan, sau khi có đánh giá đầy đủ các tác động dựa trên số liệu đầy đủ, tin cậy bằng phương pháp phù hợp, bổ sung các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực theo các khuyến nghị của MRC, đảm bảo duy trì các giá trị và chức năng sống còn của sông Mê Công mới tính đến triển khai xây dựng đập thuỷ điện Pắc-Beng.

8. Việt Nam cần ngiên cứu đề xuất các giải pháp chủ động ứng phó hiệu quả với tác động kép của biến đổi khí hậu và việc xây dựng các đập thuỷ điện trên sông Mê Công đối với đồng bằng sông Cửu Long theo các kịch bản khác nhau của tác động để phát triển bền vững.

9. Thống nhất với nhiều ý kiến của đại biểu, cần kiến nghị với MRC, Nhà nước Lào cần kéo dài thời gian thu thập thông tin có liên quan, bổ sung thêm số liệu ở nhiều lĩnh vực (phù sa bùn cát, sinh thái, thủy sản, kinh tế, xã hội…), đánh giá kỹ các tác động, bao gồm các tác động xuyên biên giới và tăng thời gian tham vấn của các bên liên quan đối với Dự án thuỷ điện Pắc-Beng.

Ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo sẽ được Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tổng hợp gửi cho Ủy hội sông Mê Công quốc tế và trợ giúp việc chuẩn bị ý kiến chính thức của Việt Nam về Dự án thủy điện Pắc-Beng./.


CÁC TIN LIÊN QUAN

LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang truy cập: 396

Số người truy cập hôm nay: 3

Tổng số lượt truy cập: 186524