Thông tin báo chí
Thông tin báo chí về Phiên họp đặc biệt của Ủy ban Liên hợp về Tham vấn trước cho Dự án thủy điện Pắc-Beng của Lào (28/06/2017 17:26:01)
Ngày 19/6/2017, Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã tổ chức một Phiên họp đặc biệt về đề xuất Dự án thủy điện Pắc-Beng tại Viêng Chăn, Lào để đánh giá các kết quả sơ bộ của 6 tháng đầu tiên của quá trình Tham vấn chính thức. Tại phiên họp lần này đã có một bước tiến quan trọng so với hai lần tham vấn trước đối với Dự án thủy điện dòng chính Xay-nha-bu-ly và Đôn Sa-hông là Ủy ban Liên hợp đã thống nhất ra một Tuyên bố chung kêu gọi “Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào làm hết sức mình giảm thiểu các tác động xuyên biên giới tiềm tàng của Dự án Thủy điện Pắc-Beng” và yêu cầu Ban Thư ký Ủy hội chuẩn bị một bản Kế hoạch hành động chung bao gồm các hoạt động sau giai đoạn 6 tháng của tham vấn trước.

Sau khi đã tiến hành hai đợt tham vấn trước cho các dự án thủy điện Xay-nha-bu-nhy và Đôn Sa-hông, đều là các công trình nằm trên dòng chính sông Mê Công của Lào, Ủy hội sông Mê Công quốc tế mới đây lại khởi động quy trình tham vấn trước cho công trình Pắc-beng, là công trình thủy điện dòng chính thứ ba theo đề xuất của Lào.

Sau 6 tháng đầu tham vấn chính thức Dự án Pắc-Beng bắt đầu từ ngày 20 tháng 12 năm 2016, theo quy định của Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận, Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã tổ chức một Phiên họp đặc biệt về đề xuất Dự án thủy điện Pắc-Beng vào ngày 19 tháng 6 năm 2017 tại Viêng Chăn, Lào để đánh giá các kết quả sơ bộ của 6 tháng đầu tiên của quá trình Tham vấn chính thức.

Tại Phiên họp, trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng các khuyến cáo của Báo cáo Đánh giá Kỹ thuật Dự án Thủy điện Pắc-Beng do một nhóm chuyên gia quốc tế có nhiều kinh nghiệm chuẩn bị, cùng các kết quả của các đợt tham vấn với các bên liên quan ở cấp khu vực và quốc gia, Ủy ban Liên hợp đã tập trung thảo luận về các biện pháp giảm thiểu các tác động thượng ở lưu và hạ lưu về thủy văn và thủy lực, bao gồm dâng nước thượng lưu đập ở Thái Lan; cải thiện vận chuyển phù sa; cải thiện đường đi của cá ở cả thượng lưu và hạ lưu; tăng cường sự hiểu biết tốt hơn về các tác động tiềm tàng về kinh tế xã hội xuyên biên giới; đảm bảo tự do giao thông thủy; thiết lập một cơ chế trao đổi thông tin cho việc cung cấp đầu vào cho việc thiết kế và xây dựng dự án hiện hành; chia sẻ các thay đổi thiết kế và giám sát dữ liệu, và chương trình giám sát chung cho thủy điện Pắc-Beng.

Theo quy định, các ủy viên quốc gia trong Ủy ban Liên hợp đã công bố các bản tuyên bố chính thức ý kiến của quốc gia mình về đề xuất Dự án thủy điện Pắc-Beng tập trung vào các đánh giá chính và các quan ngại sâu sắc về các tác động có thể gây ra trong quá trình xây dựng cũng như hiệu quả thiết kế của công trình. Việt Nam nhận thấy công tác chuẩn bị cho xây dựng của Chủ đầu tư còn nhiều khiếm khuyết về thu thập số liệu, áp dụng phương pháp đánh giá phân tích hợp lý, kiểm chứng tính hiệu quả của các đề xuất giảm thiểu trong thiết kế công trình và xây dựng một chương trình quan trắc toàn diện cho quá trình xây dựng và vận hành công trình. Với sự chuẩn bị chưa đầy đủ này, công trình thủy điện Pắc-Beng cùng các công trình thủy điện dòng chính khác (bao gồm các công trình thủy điện trên sông Lan Thương, Trung Quốc) sẽ tiềm ẩn các tác động lũy tích nghiêm trọng có thể gây ra các thảm họa môi trường sinh thái và sự cố trước hết trên chính lãnh thổ của Lào và về phía hạ du, đặc biệt là đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang tác động ngày càng nghiêm trọng đối với vùng này của Việt Nam.

Tại phiên họp lần này đã có một bước tiến quan trọng so với hai lần tham vấn trước đối với Dự án thủy điện dòng chính Xay-nha-bu-ly và Đôn Sa-hông là Ủy ban Liên hợp đã thống nhất ra một Tuyên bố chung kêu gọi “Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào làm hết sức mình giảm thiểu các tác động xuyên biên giới tiềm tàng của Dự án Thủy điện Pắc-Beng” và yêu cầu Ban Thư ký Ủy hội chuẩn bị một bản Kế hoạch hành động chung bao gồm các hoạt động sau giai đoạn 6 tháng của tham vấn trước.

Phiên họp cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và hợp tác của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trong quá trình thực hiện Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận cho Dự án thủy điện Pắc-Beng./.

 

Tải nội dung thông tin báo chí và Tuyên bố chung tại đây


CÁC TIN LIÊN QUAN

LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang truy cập: 397

Số người truy cập hôm nay: 3

Tổng số lượt truy cập: 186524