Thưa Bà Naoko Ishi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ Môi trường toàn cầu,
Thưa các quý vị đại biểu và các vị khách quý,
Trước tiên, thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép tôi nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn sự có mặt của bà Naoko Ishi, Chủ tịch kiêm Giám đốc Quỹ Môi trường toàn cầu đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Chúc bà có chuyến công tác thành công tốt đẹp tại Việt Nam.
Tôi cũng xin được chào mừng và cảm ơn sự hiện diện của các vị khách quý đến tham dự Đối thoại quốc gia về Quỹ Môi trường toàn cầu Chu kỳ 7, diễn ra trong ngày hôm nay và ngày mai, 30-31 tháng 5 năm 2018.
Thưa quý vị đại biểu,
Quỹ Môi trường toàn cầu được thành lập vào năm 1991 nhân sự kiện Hội nghị về Môi trường và Phát triển lần thứ nhất của Liên Hợp quốc hay còn gọi là Hội nghị thượng đỉnh trái đất, với nỗ lực hỗ trợ các quốc gia đang phát triển thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực môi trường, cụ thể trong 07 lĩnh vực: đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, hóa chất và chất thải, các vùng nước quốc tế, suy thoái đất, quản lý rừng bền vững và tiếp cận tổng hợp đa lĩnh vực.
Quỹ Môi trường toàn cầu là một tổ chức tài chính độc lập, cung cấp nguồn vốn công lớn nhất thế giới để giải quyết các vấn đề về môi trường. Kể từ khi hoạt động đến nay, Quỹ Môi trường toàn cầu đã viện trợ 14,5 tỉ USD và huy động thêm 75,4 tỉ USD cho gần 4.000 dự án trong lĩnh vực môi trường.
Thưa quý vị đại biểu,
Việt Nam là một trong những quốc gia trở thành thành viên của Quỹ Môi trường toàn cầu từ những ngày đầu tiên, ngày 05 tháng 12 năm 1994. Từ đó đến nay, Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực triển khai chính sách đổi mới của Quỹ Môi trường toàn cầu như xây dựng các dự án tổng hợp đa lĩnh vực, tham gia có hiệu quả các diễn đàn và các hoạt động đánh giá các dự án của Quỹ Môi trường toàn cầu.
Tính đến nay, Việt Nam đã được Quỹ môi trường toàn cầu tài trợ 457.18 triệu USD để thực hiện 107 dự án về môi trường trong nhiều ngành, lĩnh vực và tại nhiều địa phương, đóng góp quan trọng và tích cực trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường tại Việt Nam nói riêng và các vấn đề môi trường toàn cầu nói chung. Việt Nam cũng được Ban Thư ký Quỹ Môi trường toàn cầu đánh giá là một trong các quốc gia thành viên tham gia tích cực trong các diễn đàn chung của Quỹ Môi trường toàn cầu qua 06 chu kỳ hoạt động vừa qua.
Thưa quý vị đại biểu,
Chính phủ Việt Nam ghi nhận nỗ lực đóng góp của Quỹ Môi trường toàn cầu trong việc hỗ trợ Việt Nam triển khai thực hiện cam kết, nghĩa vụ đối với quốc tế trong lĩnh vực môi trường đặc biệt trong bối cảnh các vấn đề môi trường đang ngày càng gia tăng về qui mô cũng như mức độ phức tạp.
Thưa quý vị đại biểu,
Nhằm tối ưu hóa nguồn lực tài chính của Quỹ Môi trường toàn cầu trong giai đoạn tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường với tư cách đầu mối quốc gia Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam phối hợp với Quỹ Môi trường toàn cầu tổ chức Đối thoại quốc gia về Quỹ Môi trường toàn cầu Chu kỳ 7, diễn ra trong 02 ngày 30 và 31 tháng 5 năm 2018
Mục đích của Hội nghị này nhằm rà soát kết quả triển khai các dự án được Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ trong chu kỳ 5 và 6, đúc kết bài học kinh nghiệm nhằm tăng cường năng lực thực hiện dự án của quốc gia trong chu kỳ 7; đồng thời xây dựng định hướng quốc gia của Quỹ Môi trường toàn cầu trong chu kỳ mới, đảm bảo phù hợp với chính sách, chiến lược quốc gia; tận dụng được năng lực cạnh tranh của các cơ quan thực hiện dự án; thu hút sự đầu tư mạnh mẽ và có hiệu quả của các đối tác quốc tế cũng như khu vực tư nhân.
Tại Hội nghị này, tôi đề nghị các đại biểu sẽ thảo luận tích cực, thẳng thắn, tập trung vào nội dung:
Một là, rà soát kết quả thực hiện các dự án trong chu kỳ 5 và 6 (2010-2018), đúc kết bài học kinh nghiệm nhằm tiến tới thực hiện có hiệu quả hơn các dự án được Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ trong chu kỳ tới.
Hai là, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và trao đổi khả năng tham gia của quốc gia thực hiện các Chương trình, Dự án khu vực và toàn cầu nhằm thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam trong nỗ lực giải các vấn đề môi trường cấp bách toàn cầu.
Ba là, xây dựng định hướng quốc gia của Việt Nam trong Chu kỳ 7 của Quỹ Môi trường toàn cầu nhằm thực hiện cam kết quốc tế trong 07 lĩnh vực: đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, hóa chất và chất thải, các vùng nước quốc tế, suy thoái đất, quản lý rừng bền vững và tiếp cận tổng hợp đa lĩnh vực.
Thưa quý vị đại biểu,
Với sự tham dự của Lãnh đạo và đại diện của Quỹ Môi trường toàn cầu, lãnh đạo cấp cao của các định chế tài chính, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện của các Bộ, ngành; đại diện của một số địa phương tham gia dự án; đại diện các trường đại học và viện nghiên cứu lớn tại Việt Nam, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, Đối thoại của chúng ta hôm nay sẽ mở ra cơ những cơ hội trao đổi, hợp tác mới giữa cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các đối tác quốc tế ngày càng khăng khít hơn, các mối quan hệ đối tác sẵn có ngày càng thêm sâu sắc và nhiều mối quan hệ đối tác mới được xây dựng nhằm chung tay giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường tại Việt Nam hiện nay.
Thưa quý vị đại biểu,
Vinh dự được lựa chọn là quốc gia đăng cai Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 trong các ngày 23 đến 29 tháng 6 năm 2018, Việt Nam đã và đang nỗ lực hết mình để tổ chức thành công sự kiện này. Với vai trò là Trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức Kỳ họp Đại hội đồng, tôi kêu gọi sự tham gia và quan tâm của quý vị đại biểu đối với sự kiện đặc biệt quan trọng này.
Nhân dịp này tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới Quỹ Môi trường toàn cầu nói chung và cá nhân bà Naoko Ishi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ Môi trường toàn cầu về những hỗ trợ hiệu quả cho Việt Nam trong thời gian qua; cảm ơn Ban Thư ký Quỹ Môi trường đã hỗ trợ tổ chức Đối thoại này; cảm ơn các cơ quan thực hiện Quỹ Môi trường toàn cầu và các bên liên quan đã tích cực hỗ trợ thực hiện thành công các dự án do Quỹ Môi trường tài trợ trong thời gian qua.
Kính chúc sức khỏe các vị đại biểu, các vị khách quý.
Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!
Xin trân trọng cảm ơn!./.